Trong những năm trở lại đây, huyện Bảo Lạc đã phát huy được thế mạnh của địa phương, khai thác đất đồi, trồng cây công nghiệp, trong đó tập trung phát triển trồng cây hồi. Đây là cây dược liệu để chưng cất lấy dầu, xuất bán, đem lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân.

5 năm trở lại đây, nhận thấy khí hậu đất đai thổ nhưỡng phù hợp, anh Sầm Văn Thế, xóm Nà Nộc, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc đã học hỏi, tìm hiểu và bắt tay trồng hồi. Sau hơn 2 năm, gia đình anh trồng gần 1,5 ha, mỗi năm, từ trồng hồi và chưng cất tinh dầu xuất bán mang lại thu nhập cho gia đình gần 80 triệu đồng. Gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng. Anh Sầm Văn Thế chia sẻ: “Trước khi trồng hồi, địa bàn nơi tôi sinh sống, nhân dân rất khó khăn, không có kinh tế ổn định. Từ lúc bắt đầu trồng hồi, kinh tế đi lên và ổn định dần, nhân dân cải thiện cuộc sống, xây nhà, mua xe, mua thêm trâu bò về nuôi. Trước đây không có điểm tựa kinh tế nào. Từ cây hồi, nhân dân đã đi lên rất nhiều”.
Cốc Pàng là xã vùng sâu, vùng xa biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lạc. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chú trọng phát triển các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, trong đó có cây hồi được xem là cây trồng mũi nhọn. Sau 2 năm, diện tích hồi trồng mới đạt 240 ha, nâng diện tích trồng hồi của xã lên 900 ha, sản lượng tinh dầu đạt 111.928 lít/năm, bình quân thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm. Hồi là cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Hằng năm chỉ cần phát cỏ và bón phân lân một lần. Khoảng 3 năm là đã có thể cho thu hoạch ép dầu hồi vụ đầu tiên. Với hiệu quả kinh tế cao, ổn định, cây hồi được đánh giá vẫn tiếp tục là cây kinh tế mũi nhọn của xã. Bà Mông Thị Thêu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cốc Pàng cho biết: “Từ phát triển kinh tế trồng hồi, bà con nhân dân từ mức thu nhập năm 2015 là 10 – 12 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2020 đạt 21 triệu đồng/hộ/năm. Đến nay, bà con nhân dân từ những ngôi nhà gỗ, nhà sàn đã chuyển đổi thành nhà xây 2 – 3 tầng khang trang. Từ những cây hồi đó, bà con phát triển thêm cây dầu sở, cây sắn. Hằng năm trồng sắn cũng đạt kinh tế rất cao. Hiện tại, nhân dân xã Cốc Pàng từng bước thay đổi từ những phong tục tập quán, về hướng phát triển kinh tế cũng từng bước đi lên và có hiệu quả cao hơn”.
Trong những năm qua, huyện Bảo Lạc đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung phát triển cây hồi. Với việc tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập từ việc chưng cất tinh dầu hồi đạt bình quân từ 60 – 120 triệu đồng/ha. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi, nhiều nhà được xây mới, thu nhập bình quân đầu người của xã Cốc Pàng năm đạt 35 triệu đồng/người/năm.
Cốc Pàng, Cô Ba, Thượng Hà là những xã phát triển mạnh về cây hồi. Nhờ hướng đi đúng trong phát triển kinh tế đồi rừng, nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Từ năm 2015 đến nay, kinh tế của huyện Bảo Lạc đã được duy trì ở mức tăng trưởng bình quân 12 – 15%/năm. Theo ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc: “Cây hồi được trồng ở huyện Bảo Lạc khoảng 10 năm trở lại đây, phổ biến ở các xã Cốc Pàng, Bảo Toàn, Thượng Hà và Cô Ba. Trong những năm vừa qua, huyện đã chỉ đạo nhân dân ở các xã, chủ yếu là các xã biên giới chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, trong đó cây hồi là cây có giá trị kinh tế mà đem lại thu nhập cho bà con. Diện tích cây hồi của huyện Bảo Lạc cho đến thời điểm này đạt khoảng gần 2.000 ha. Thu nhập từ dầu hồi của bà con trung bình mỗi năm theo các xã tính toán báo cáo khoảng 80 tỷ đồng trong toàn huyện. Hiện tại, huyện đã xây dựng nghị quyết đột phá về phát triển các loại cây đặc sản cũng như là cây mũi nhọn, trong đó có cây hồi. Dự định mỗi năm sẽ phát triển thêm 100 ha, từ nay đến năm 2025, chúng tôi dự định phát triển thêm khoảng 500 ha”.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Huyện ủy đã ban hành chương trình phát triển cây đặc sản cũng như cây mũi nhọn. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, giao cho các xã ở khu vực trồng hồi, mỗi xã giao cho các xóm để thực hiện phát triển diện tích cây hồi. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, giá trị dầu hồi giảm, nhưng về lâu dài vẫn là cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Để trồng hồi và chưng cất dầu hồi mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, huyện Bảo Lạc cần có chiến lược phát triển với quy mô sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, mở hướng làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Nguồn: Đài Phát Thanh Truyền Hình Cao Bằng
——————————————————————————-
CÔNG TY TNHH VTNN VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Địa chỉ: Đường Nguyễn Trãi, Khu Dân Cư 4, Khu Phố Hiệp Tâm 2, Thị Trấn Định Quán, Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Hotline: 0919.817.033
Chuyên Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp
📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲
✅Hotline: 0919.817.033
✅Link web: https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
——————————————————————————————————-