Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm Cam Vinh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chiều 26/11, UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh bằng hình thức trực tuyến. Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cam Vinh – sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An
Thập niên 60 của thế kỷ 20, cây cam được trồng chủ yếu tại các huyện Quỳ Hợp; Nghĩa Đàn và Tân Kỳ (cam Sông Con). Hiện nay vùng trồng cam Vinh tại Nghệ An đã mở rộng sang nhiều huyện: Nghĩa Đàn; Con Cuông; Yên Thành; Thanh Chương,… hình thành một số vùng sản xuất cam hàng hoá như: Huyện Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp;… Tổng diện tích cam trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 4.735 ha trong đó diện tích cho sản phẩm ước đạt 3.450 ha, sản lượng cam thu hoạch năm 2021 ước đạt 60.000 tấn. Cam Vinh đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An.

Để phát triển cây cam, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất cam áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP: Vùng cam VietGAP của HTX Nông nghiệp Thanh Đức 18ha; vùng cam VietGAP của HTX Nông nghiệp Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn diện 25 ha; HTX Đồng Thành, huyện Yên Thành 40 ha,… Công ty TNHH Thiên Sơn tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành đã áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 20 ha. Tổng diện tích cam được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP toàn tỉnh ước đạt trên 150 ha.
Hiện nay, 100% diện tích cam Vinh trồng tại Nghệ An đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện triển khai các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm theo quy định như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt,… hỗ trợ chứng nhận vùng trồng, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, cơ bản sản phẩm cam Vinh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Năm 2017, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012. Ngày 16/10/2019, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5004/QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00012 cho sản phẩm cam “Vinh”. Cụ thể đã bổ sung giống cam V2 và mở rộng khu vực địa lý từ 12 xã thuộc 5 huyện lên 73 xã thuộc 11 huyện của tỉnh Nghệ An. Bao gồm các huyện: Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông.
Hiện nay, cam Vinh đang chủ yếu đang bán ra thị trường dưới dạng ăn quả tươi, ép nước uống. Trên địa bàn tỉnh hiện có 02 nhà máy chế biến nước quả. Để gia tăng giá trị chuỗi sản xuất cam, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, được sự hỗ trợ của tổ chức Jica Nhật Bản nhiều mô hình chế biến cam và sản phẩm từ cam đã được hình thành như rượu cam; mứt cam, mứt vỏ cam, các loại bánh từ cam…
Hàng năm, các Sở, Ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động đưa sản phẩm cam Vinh giới thiệu tại các Hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; tổ chức các Hội chợ tại địa phương, các Hội nghị kết nối tiêu thụ. Các Doanh nghiệp, HTX, hộ trồng cam Vinh đã chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An đã ký ghi nhớ với sàn thương mại điện tử VOSO.VN, Postmart,… để giới thiệu và bán sản phẩm cam Vinh trên sàn thương mại điện tử.
Tuy vậy, vào chính vụ thu hoạch, tình hình tiêu thụ cam Vinh vẫn gặp nhiều khó khăn và đang theo phương thức cũ, dễ bị tổn thương bởi thị trường, vẫn có hiện tượng “được mùa mất giá”. Liên kết chuỗi giữa người trồng cam và tiêu thụ đang còn yếu, kênh tiêu thụ cam Vinh chính hiện nay vẫn chủ yếu là do thương lái địa phương thu mua và tiêu thụ. Cây cam với thương hiệu cam Vinh là đặc sản của Nghệ An nhưng trong thời gian gần đây, một số tỉnh như Hoà Bình; Hưng Yên; Hà Tĩnh, Thanh Hoá,… phát triển diện tích trồng các giống cam Vinh: xã Đoài lòng vàng; V2; Vân Du, nhiều tỉnh thành trong cả nước phát triển diện tích gây cạnh tranh khá quyết liệt. Người tiêu dùng khó phân biệt được cam Vinh trồng tại Nghệ An và cam Vinh trồng tại các tỉnh khác.
Tại diễn đàn, các cơ sở trồng Cam và các hệ thống phân phối, siêu thị, sàn thương mại điện tử đã chia sẻ về phương thức để xây dựng thương hiệu Cam Vinh. Theo đó, cần chủ động thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo kịp thời, chính xác các đối tượng sâu, bệnh hại để tuyên truyền, hướng dẫn phòng, trừ các đối tượng gây hại, sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, bón phân cân đối,… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xác định đúng thời điểm chín để thu hoạch cam hợp lý; các biện pháp thu hái phải đảm bảo theo đúng kỹ thuật để sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giảm tỷ lệ dập nát, tổn thất và ít gây ảnh hưởng đến năng suất của năm sau…
Xây dựng Cam Vinh – trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc tỉnh Nghệ An tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ Cam Vinh, đây sẽ là nơi để kết nối giữa người trồng cây cam đến các nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng cam Vinh đã được khẳng định trên thị trường, vì vậy cần phát triển cây Cam trở thành cây trồng chủ lực và trở thành cây thương hiệu của tỉnh Nghệ An, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin những địa chỉ tin cậy về cung ứng giống cây ăn quả nói chung và cây Cam nói riêng để người dân lựa chọn những giống cam đảm bảo chất lượng; hướng tới xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả an toàn, chất lượng. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây giống, giữ nguồn gen giống cam Vinh, áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nhân giống cung cấp cây giống chất lượng cho người trồng cam.
Đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo quy trình của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Áp dụng đồng bộ từ khâu chọn giống đến quy trình đầu tư thâm canh, áp dụng các biện pháp khoa học tiên tiến trong sản xuất: VietGAP, GlobaGAP để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng.
Xác định đúng thời điểm chín để thu hoạch cam hợp lý; đầu tư xây dựng hệ thống thiết bị bảo quản công nghiệp để bảo quản cam khi vào vụ thu hoạch tập trung, tránh tình trạng tồn đọng trong khâu tiêu thụ.
Xây dựng các chuỗi liên kết từ cung cấp nguyên vật liệu – sản xuất – tiêu thụ để tăng cường công tác quản lý, giám sát đồng thời tạo đầu mối kết nối với các đơn vị kinh doanh. Đẩy mạnh thành lập các HTX, Tổ hợp tác chuyên sản xuất cam. Tạo điều kiện để các nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái cây trên địa bàn đầu tư, liên kết sản xuất cam nguyên liệu phục vụ chế biến; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khuyến khích và hỗ trợ các Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ sản xuất đầu tư chế biến các sản phẩm như bánh kẹo, tinh dầu, mứt,… từ nguyên liệu quả cam, gắn với xây dựng sản phẩm OCOP để đa dạng sản phẩm đồng thời nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm cam.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam Vinh trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thương hiệu cam Vinh đến với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Thực hiện kết nối với các tập đoàn kinh doanh, hệ thống siêu thị lớn, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để nâng tỷ trọng cam Vinh tiêu thụ thông qua các kênh siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Hỗ trợ các Doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ kinh doanh nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, kỹ năng bán hàng để thúc đẩy tiêu thụ thông qua các đại lý, bán hàng online. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước để mở các gian hàng bán sản phẩm cam Vinh trên sàn…
Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Tỉnh Nghệ An
——————————————————————————-
CÔNG TY TNHH VTNN VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH
Địa chỉ: Đường Nguyễn Trãi, Khu Dân Cư 4, Khu Phố Hiệp Tâm 2, Thị Trấn Định Quán, Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Hotline: 0919.817.033
Chuyên Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp
📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲
✅Hotline: 0919.817.033
✅Link web: https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/
✅Link youtube: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng
——————————————————————————————————-