TỈNH NINH THUẬN – PHÁT TRIỂN CÂY NHO TRỞ THÀNH THẾ MẠNH NÔNG NGHIỆP - KINH NGHIỆM LÀM NÔNG
Xin cảm ơn!

Cây nho là một trong những cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của nhiều nước trên thế giới. Theo thống kê của FAO, tổng diện tích trên thế giới hiện có khoảng 7.586.600 ha nho, được trồng trên nhiều loại đất, ở các vùng khí hậu từ xích đạo tới nhiệt đới và á nhiệt đới. Năng suất nho cũng biến động rất lớn, từ 5 – 35 tấn/ha/năm tùy thuộc vào vùng trồng, điều kiện canh tác và mục đích sử dụng (làm rượu nho loại ngon, loại thường, làm nho ăn tươi, v.v).

Sản lượng nho trên thế giới hàng năm ước đạt trên 65 triệu tấn, nho được trồng nhiều ở các nước ôn đới, sản lượng nho nhiều nhất là Châu Âu với tổng sản lượng đạt 36,8 triệu tấn/năm, tiếp đến là Châu Á với 7,4 triệu tấn, Liên Xô (cũ) 7,2 triệu tấn, Nam Mỹ 5,3 triệu tấn, Bắc Mỹ 5,3 triệu tấn, Châu Phi 2,2 triệu tấn,… Ở các nước nhiệt đới diện tích trồng nho chỉ chiếm một phần rất nhỏ, sản lượng hàng năm chưa bằng 1% sản lượng nho trên toàn thế giới. Ở vùng nhiệt đới Châu Á nho phát triển mạnh ở các nước Ấn Độ, Thái Lan, Philippin, Trung Quốc. Theo thống kê năm 2000, các nước Châu Á – Thái Bình Dương có tổng diện tích trồng nho vào khoảng 370.000 ha.

Nho có thể trồng trong phổ khí hậu rộng, từ vùng khí hậu xích đạo tới nhiệt đới và á nhiệt đới. Tuy được trồng ở phổ rộng về khí hậu nhưng đặc điểm đáng chú ý nhất của nho là yêu cầu có một mùa khô đủ dài để tích lũy đường, đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên chất lượng nho. Nhiệt độ là một trong các yếu tố quan trọng giúp cây nho phát triển sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực, nhiệt độ phù hợp cho cây nho phát triển từ 18 – 30OC, nhiệt độ thấp dưới 10OC hoặc cao trên 38OC đều gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nho. Nho đồng thời là cây ưa sáng, thiếu ánh sáng trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp hydrat carbon gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nho, nếu thiếu ánh sáng trong thời kỳ ra hoa và đậu quả sẽ dễ dẫn đến tình trạng rụng hoa và rụng quả non. Ẩm độ không khí đóng vai trò quyết định lớn đến năng suất và phẩm chất nho, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây nho, ẩm độ không khí phù hợp với nho từ 70 – 75%, ẩm độ không khí cao nho dễ bị nhiễm các loại nấm bệnh. Lượng mưa phù hợp cho nho từ 700 – 850 mm/năm, lượng mưa cao trên 1.200 mm/năm dễ gây nên hiện tượng úng thủy của bộ rễ, mưa lớn vào thời kỳ ra hoa đậu quả gây nên hiện tượng rụng hoa, rụng quả.

Nho Ninh Thuận
Nho Ninh Thuận

Nho thích hợp trên nhiều loại đất, từ cát thô, lẫn sỏi đá đến đất thịt nặng. Các đất có thành phần cơ giới sét nặng, tầng canh tác nông, tiêu thoát nước kém không phù hợp cho nho. Khoảng giá trị pH phù hợp cho nho từ 5,5 – 7,5, nếu pH thấp dưới 4,5 hoặc cao trên 8,5 có ảnh hưởng không tốt đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây nho. Yêu cầu đất trồng nho có độ phì cao, thành phần cơ giới nhẹ đến trung bình, tầng đất dày, khả năng thoát nước tốt.

Quả nho chứa nhiều đường, nho ngọt bằng các loại quả nhiệt đới như Vải, Nhãn, Chuối, Hồng và ngọt hơn các thứ quả ôn đới khác, đường trong nho ở dạng dễ tiêu, nho nhiều muối khoáng nhất là K, P, Mg, Ca, S. Nho và các sản phẩm từ nho không chỉ có ý nghĩa thực phẩm mà còn có nhiều tác dụng khác như: rượu vang nho giúp chữa và ngăn ngừa được một số bệnh về tim mạch, tiểu đường, bệnh béo phì, bệnh tăng huyết áp, hoặc làm tăng Cholesterol tốt và giảm Cholesterol xấu, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, chè Nho có tác dụng chống lại một số loại virus gây bại liệt, heper các loại..v.v. Các sách y học cổ xưa nhất của Trung Quốc đánh giá rất cao giá trị y học của cây nho như: “Ích khí, tăng lực, cường trí, làm cho người béo khỏe, chịu được đói khát, phong hàn. Ăn lâu ngày, người thấy nhẹ nhàng thoải mái, trẻ mãi không già”.

Nho được tiêu thụ trên thị trường thế giới dưới 3 dạng sản phẩm chủ yếu là: Chế biến rượu vang với trên 70 % tổng sản lượng; 27% sử dụng cho ăn tươi, còn lại dùng cho chế biến nho khô, ngoài ra còn được sử dụng như thực phẩm dưới dạng đóng hộp và nước ép. Ở Việt Nam, nho chủ yếu được dùng để ăn tươi, một phần nhỏ được làm vang, rượu nho và chế biến các sản phẩm khác (mứt nho, mật nho).

Cây Nho được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1960 -1971 và đến năm 1980 nho được trồng chủ yếu ở tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, tổng diện tích nho cả nước ước khoảng 2.500 – 3.000 ha, trong đó chiếm diện tích nhiều nhất là tỉnh Ninh Thuận với khoảng trên 85% tổng diện tích cả nước, tiếp đến là Bình Thuận với gần 10%, còn lại được trồng rải rác ở nhiều nơi trên cả nước (Đồng Nai, Lâm Đồng, Ba Vì…). Tuy nhiên, nho ở miền Bắc trồng chủ yếu để làm cây cảnh, cây bóng mát còn chất lượng quả rất kém, quả nhỏ, vỏ dầy, chua, chát. Ở miền Trung, vùng Ninh Thuận là vùng trồng Nho rất thuận lợi, cho chất lượng cao, vì vùng này nằm trong vùng có điều kiện khí hậu rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây Nho như: khô nóng, gió nhiều, độ ẩm không khí thấp (độ ẩm trung bình 76%), lượng mưa thấp 700 mm/năm, v.v. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng khí hậu Ninh Thuận thích hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển cây nho, đáp ứng đầy đủ điều kiện để tăng năng suất và chất lượng quả nho so với các vùng khác trên cả nước.

Ninh Thuận không chỉ được biết đến như một tỉnh miền Nam Trung bộ đầy tiềm năng, những thắng cảnh nổi tiếng với bãi biển Cà Ná, bãi tắm Ninh Chữ với làn nước trong xanh và bãi cát trắng trải dài, với những ngôi tháp Pôlong Giarai và Pôrômê nổi tiếng của nền văn hóa Chăm, với những cồn cát Nam Cương và mũi Đá Vách,…mà còn được biết đến như một vùng đất khô hạn nhất cả nước, không những thế Ninh Thuận còn được biết đến là một vùng nho nổi tiếng nhất của cả nước. Từ những năm 1980 trở lại đây, cây nho đã trở thành cây sản xuất hàng hóa và là dòng cây đặc sản của tỉnh Ninh Thuận, nó chiếm tỷ trọng cao trong nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Giá trị kinh tế của cây nho chưa kể chế biến và các dịch vụ khác đi kèm chiếm khoảng 13,6% tổng giá trị sản xuất trong nông nghiệp, trong khi diện tích trồng nho chỉ chiếm gần 3% tổng diện tích đất nông nghiệp. Cây nho không những góp phần giảm nghèo, mà còn là cây làm giàu và cải thiện mức thu nhập của người dân địa phương.

Tính đến nay, diện tích trồng Nho ở Ninh Thuận vào khoảng 1.227 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Nho được trồng ở Ninh Thuận với nhiều giống cho năng suất và chất lượng cao và ổn định, chiếm diện tích nhiều nhất là giống nho đỏ Red Cardinal, với trên 85% diện tích trồng nho. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận (tháng 7/2011) đến năm 2015 là 2.000 ha và 2020 tăng diện tích trồng nho lên 2.200 ha, trong đó có 1.000 ha trồng Nho giống mới chất lượng cao và 1.200 ha trồng giống nho đỏ (Red Cardinal) trên cơ sở giống đã phục tráng, nhằm tạo được vùng nho có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng tổng sản lượng bình quân lên 55.000 tấn/năm. Hiện nay tỉnh đã có chủ chương đưa giống nho xanh (NH 01-48) chất lượng cao và nho đen (Black Queen) vào sản xuất, theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, bước đầu đã cho các kết quả khả quan về mức độ phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, đồng thời cho chất lượng khá cao so với các giống nho nhập khẩu. Năm 2012, Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố đã đưa giống tuyển chọn có tiềm năng năng suất mới là NH 01-152 và NH 01-153 trồng thử nghiệm, bước đầu cho kết quả khả quan về năng suất, màu sắc và hương vị. Tỉnh đang xây dựng cánh đồng nho lớn 30 ha ở Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Qua kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, điều kiện khí hậu và đất đai ở Ninh Thuận khá thuận lợi để phát triển một số cây đặc thù, đặc biệt rất phù hợp với cây nho so với các nơi khác không chỉ về mặt năng suất mà còn về mặt chất lượng, điều này cũng được chứng tỏ qua danh tiếng của sản phẩm nho Ninh Thuận trên thị trường. Hiệu quả kinh tế từ nho mang lại đạt rất cao, có thể đạt từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm nếu canh tác đúng kỹ thuật. Tiềm năng quỹ đất để phát triển cây nho ở tỉnh Ninh Thuận khá dồi dào, nhưng chưa được khai thác đúng tầm, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc, cân đối dinh dưỡng, bảo vệ thực vật theo hướng hữu cơ sinh học, việc chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế. Trong những năm tới, tỉnh đã có những chủ trương chính sách cụ thể để nhằm đưa cây nho trở lại thời hoàng kim như trước đây (năm 1980-1985).

Có thể thấy giá trị và lợi ích của nho đã mang lại những tiềm năng phát triển to lớn cho sản phẩm này, Chương trình 68 của Chính phủ về phát triển tài sản trí tuệ đã phê duyệt cho tỉnh Ninh Thuận tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý cho “Ninh Thuận” năm 2008-2010. Kết quả của dự án không chỉ là một sự chứng thực về một sản phẩm có chất lượng của Việt Nam, mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế – xã hội cho một vùng đất miền Nam Trung bộ còn nhiều khó khăn. Kết quả thành công của dự án là tiền đề để tiến hành mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nho trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo cơ sở cho việc phát triển các vùng nông nghiệp ngành hàng, là sự khẳng định uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước, mặt khác nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tiến lên làm giàu, thực hiện các mục tiêu chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và đẩy mạnh thành phong trào chung cho cả nước.

Năm 2018, kết quả kiểm kê diện tích trồng nho toàn tỉnh gần 1.227 ha, trong đó diện tích nho có quy mô lớn và tập trung nhiều nhất ở huyện Ninh Phước chiếm khoảng 75% tổng diện tích trồng nho của toàn tỉnh, sản lượng đạt từ 10 – 12 ngàn tấn/năm, tập trung chủ yếu ở một số xã: Phước Sơn, Phước Dân, Phước Thuận (300 ha) và Phước Hữu (215 ha), các xã khác còn lại trong huyện có diện tích trồng nho nhỏ hẹp và phân bố rải rác. Huyện Thuận Nam có xã Phước Nam; Huyện Ninh Hải với tổng diện tích khoảng 200 ha, phân bố rải rác ở 4 xã Xuân Hải, Khánh Hải, Nhơn Hải và Vĩnh Hải. Huyện Ninh Sơn với tổng diện tích gần 60 ha, phân bố tại 2 xã Nhơn Sơn và Mỹ Sơn. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có tổng diện tích trồng nho vào khoảng 80 ha, phân bố rải rác ở 10/16 xã phường.

Về chế biến vang nho, tháng 9/2005 Công ty cổ phần Vang Thăng Long đầu tư nhà máy chế biến vang nho đưa vào hoạt động năm 2008 tại Cụm công nghiệp Thành Hải (Thành phố Phan Rang- Tháp chàm) công suất thiết kế 2 triệu lít/năm; Giai đoạn đầu đã tiến hành một số công đoạn sơ chế ép lấy dịch quả cung cấp cho Công ty cổ phần vang Thăng Long Hà Nội. Song song còn có các cơ sở chế biến vang nho trong tỉnh: có 3 cơ sở sản xuất chế biến vang là Trang trại nho Ba Mọi, cơ sở Thiên Thảo và cơ sở Viết Nghi sản xuất khoảng 4.000 lít vang/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn có 39 cơ sở nhỏ chế biến vang có quy mô hộ công suất nhỏ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Đa số cơ sở công nghệ chế biến vang theo phương pháp truyền thống nên chất lượng rượu vang chưa cao; các sản phẩm chế biến từ nho như mật nho, mứt nho, nho khô chưa đảm bảo số lượng phục vụ khách hàng trong nước, vang nho chất lượng chưa cao nên khó có lợi thế cạnh tranh so với rượu vang của Lâm Đồng. Hiện nay, sản phẩm vang nho của Ninh Thuận đã đi vào các siêu thị, cửa hàng tại Ninh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội;

Về nguyên liệu làm vang chỉ có 2 giống nho làm vang là Shiraz, Savignon Blanc trồng khoảng 24 ha, không đủ cung cấp nguyên liệu để sản xuất vang chất lượng cao.

Nhìn chung, ở Ninh Thuận đa số các cơ sở chế biến vang nho đều có quy mô nhỏ, sử dụng các biện pháp thủ công, truyền thống, người dân vẫn còn dùng nho ăn tươi để làm vang là chính, nên chất lượng vang chưa cao; chưa có hiệu quả kinh tế so với rượu vang của các tỉnh hoặc vang nhập nội. Công tác chuẩn bị vùng nguyên liệu sản xuất vang nho theo hướng công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do chưa hình thành được vùng chuyên canh nho rượu.

Ninh Thuận tổ chức Tọa đàm lần này hy vọng sẽ góp phần nâng cao kỹ thuật canh tác nho và trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế về chế biến vang, góp phần nâng cao vị thế nho và vang Ninh Thuận trên thị trường và đóng góp nhiều tiến bộ kỹ thuật cho vùng nho Ninh Thuận. Nâng giá trị kinh tế cho cây nho trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Việc quảng bá và khuyếch trương nho Ninh Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ,…. nhằm mục đích xây dựng, củng cố uy tín, hình ảnh, tên tuổi của “Nho Ninh Thuận” trên thị trường trong và ngoài nước.

Kết quả Tọa đàm ngày 26/4/2019 sẽ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nông dân Ninh Thuận tham gia thành lập các Tổ hợp liên minh, các HTX và Hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm nho, làm cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Mở ra một tiềm năng phát triển kinh tế mới cho cây nho tỉnh Ninh Thuận, cho các ngành khác sử dụng nguyên liệu chế biến từ Nho./.

Nguồn: Hiệp hội nho táo tỉnh Ninh Thuận

——————————————————————————-

CÔNG TY TNHH VTNN VIỆT NAM NÔNG NGHIỆP SẠCH

Địa chỉ: Đường Nguyễn Trãi, Khu Dân Cư 4, Khu Phố Hiệp Tâm 2, Thị Trấn Định Quán, Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Hotline: 0919.817.033

Chuyên Thuốc bvtv _ hạt giống_ dụng cụ nông nghiệp

📲📲Hỗ Tư vấn kỹ thuật tại vườn📲📲

✅Hotline: 0919.817.033

✅Link web: https://vietnamnongnghiepsach.com.vn/

✅Link youtube: https://www.youtube.com/c/TrịBệnhChoCâyTrồng

——————————————————————————————————-

vnns

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Verified by MonsterInsights